Phân tích bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ "
Nhắc đến nhà thơ Thanh Hải, người ta thường nhớ đến bài Mồ anh hoa nở. Đó là tác phẩm đánh dấu sự thành công trong chặng đường sáng tác đầu tiên của tác giả. Nhưng tài năng của Thanh Hải không phải là ngôi sao băng vụt lóe rồi tắt trên bầu trời nghệ thuật. Cho đến cuối đời, tác giả còn để lại một sáng tác đặc sắc. Đó là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
Nếu như hầu hết các nhà thơ tả cảnh xuân bằng mai vàng, đào thắm thì mùa xuân trong thơ Thanh Hải lại được tượng trưng bằng đóa hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh. Nhưng hình ảnh này đã được xây dựng lại, được diễn tả khác hơn:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Nhờ biện pháp đảo ngữ, đóa hoa tím biếc đã hiện lên lung linh hơn, sống động hơn, tràn trề sức sống hơn. Kế đó, ý thơ được diễn tả bằng những từ cảm thán:
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từ đó ta cảm được một dòng cảm xúc rất dạt dào, mãnh liệt của tác giả giữa khung cảnh mùa xuân quê hương. Quê hương ở đây không mang tính khái quát mà rất là cụ thể là xứ Huế.
Mùa xuân xứ Huế đã được khắc họa thật dung dị mà cũng thật "Huế" với dòng sông xanh, với bông hoa tím biếc và tiếng hót chim chiền chiện vút cao. Nhưng mùa xuân trong thơ Thanh Hải đâu chỉ có thế! Tiếng chim đâu chỉ vút lên rồi tan biến. Nhà thơ đã viết tiếp:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Tiếng chim ấy nào có tan biến, mà động thành những hạt lưu li trong vắt, long lanh, chói ngời. Làm sao có thể để nó rơi xuống vỡ tan? Hai bàn tay của tác giả đã hứng lấy những giọt long lanh ấy. Đó là hai bàn tay của một hồn thơ dạt dào yêu đời, yêu mùa xuân của đất trời, của vũ trụ. Mùa xuân đâu chỉ về với vũ trụ! Xuân còn về với con người nữa:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Trong khổ thơ thứ hai, tác giả đã phác thảo hai bức tranh xuân dân tộc rất điển hình và cân xứng. Lộc non làm lá ngụy trang bảo vệ cho người chiến sĩ trong từng bước chân đi bảo vệ đất nước. Lộc xuân là từng ngọn lúa, từng nhánh mạ tươi non vươn lên giữa ruộng đồng của người sản xuất. Biện pháp điệp ngữ cuối đoạn thứ hai đã tạo ra một nhịp thơ dồn dập, diễn tả khẩn trương của một dân tộc luôn luôn phải vừa xây dựng vừa chiến đấu suốt bốn ngàn năm lịch sử, như một con ong, một con bướm phải lột xác để bay lên. Nhưng hơn thế, tác giả đã chọn một hình ảnh đẹp hơn, chính xác hơn để diễn tả hình ảnh Việt Nam:
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Nhưng khi đất nước rực rỡ như vì sao thì người dân phải làm sao để sống xứng đáng trong tinh tú ấy? Niềm tự hào về dân tộc, niềm ước nguyện muốn hiến dân, muốn hòa nhập vào nhịp sống xuân của dân tộc đã thôi thúc tác giả viết những câu thơ tuyệt đẹp:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Dùng biện pháp ẩn dụ rất sáng tạo, nhà thơ Thanh Hải đã ngầm so sánh cuộc sống của toàn dân tộc sau ngày hòa bình, vui tươi như một bản hòa ca.
Trong cái không khí réo rắt với đủ mọi cung bậc âm thanh, biện pháp điệp từ đồng thời được sử dụng để diễn tả niềm tha thiết hiến dâng, tha thiết hòa nhập vào cuộc sống vui tươi, sôi nổi ấy.Thật đáng quý, đáng yêu biết bao nếu ta biết rằng suốt một đời người, suốt một đời thơ, Thanh Hải đã cống hiến nhiều tâm huyết cho sự nghiệp chung của dân tộc, vậy mà ông chỉ khiêm tốn xin làm một nốt trầm! Đó chính là một lí tưởng, một lẽ sống tuyệt vời. Sống hiến dâng, sống với tất cả một niềm xúc động yêu thương lặng thầm. Thật là một lẽ sống xa lạ với những kẻ ích kỷ. Lẽ sống ấy đâu phải một mong muốn nhất thời? Không, tác giả đã nuôi dưỡng và thực hiện cái lẽ sống ấy từ tuổi thanh niên cho đến ngày tóc bạc:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Điệp ngữ dù là...thể hiện một thái độ sống trọn vẹn cho cuộc đời chung, bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác. Chính vì thế mà tác giả Thanh Hải đã quên cả cơn đau, quên cả mùa đông vẫn vương vất quanh mình để cất lên câu hát êm đềm với những vần bằng tha thiết và êm ái:
Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Tác giả mở đầu bài thơ bằng phong cảnh Huế, kết thúc bài thơ bằng âm nhạc Huế, nhưng nó đã gói ghém một đề tài vượt xa không gian Huế, một đề tài thật sâu xa, bằng nghệ thuật phong phú. Đoạn đầu miêu tả mùa xuân của vũ trụ, đoạn tiếp theo là hai bức tranh diễn ta sức xuân của dân tộc và kết bài là hồn xuân của một con người, hồn xuân của một tác giả. Hồn xuân ấy là một lẽ sống mà từng người trong chúng ta ngưỡng vọng và suy nghĩ.
Sống đúng như thế, nhà thơ Thanh Hải đã làm được như thế. Bài thơ của ông, sự nghiệp của ông chính là một nốt trầm giữa bản hòa ca văn học của dân tộc. Một nốt trầm nhiều luyến láy, đã làm xuyến xao bao tấm lòng người thưởng thức. Bên cạnh nốt trầm này, Thanh Hải còn các nốt trầm khác như Những đồng chí trung kiên, Mồ anh hoa nở,...
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!
Nguồn : ADMIN :))Xem thêm tại https://loigiaisgk.com/cau-hoi or https://giaibtsgk.com/cau-hoi
Copyright © 2021 HOCTAPSGK