Lời giải 1 :
Trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam thì triều đại để lại nhiều dấu ấn nhất có lẽ là triều Trần. Không đạt được những thành tựu to lớn về mặt kinh tế, văn hóa mà thời Trần còn lừng lẫy sử sách với chiến thắng của ba lần chống quân Mông -Nguyên. Phải chăng chính những chiến thắng vang dội ấy đã tạo nên một hào khí vô cùng to lớn, mạnh mẽ, chỉ có ở thời Trần mà không phải bất kì một triều đại nào khác của Việt Nam - hào khí Đông A. Chỉ có ở thời Trần, người ta mới cảm được sức mạnh to lớn mà hào hùng vô cùng của hào khí này. Và nó đã nghiễm nhiên trở thành niềm cảm hứng đi vào không ít tác phẩm thơ ca nổi tiếng vào thời ấy, trong đó có tác phẩm thơ "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão.
Nhắc về hào khí Đông A, hẳn không ít người đã từng nghe thấy rất nhiều lần nhưng vẫn luôn băn khoăn tự hỏi, hào khí Đông A là gì? Tại sao nó lại được phát huy mạnh mẽ nhất vào thời nhà Trần? Hào khí Đông A là hào khí của thời Trần, hai chữ Đông và A khi ghép lại trong nguyên văn chữ Hán sẽ tạo nên chữ Trần, vậy nên mới nói, hào khí này là hào khí của nhà Trần, của quân và dân đời Trần. Nó cũng là cái khí thế oai hùng, hào sảng của nhà Trần, khi mà ở thời kì này, chúng ta đã ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên - đội quân hung hãn nhất thế giới thời bấy giờ. Hào khí Đông A cũng chính là cái khí thế đầy nhiệt huyết, hừng hực trong niềm vui chiến thắng kẻ thù, là sự khát khao mang tính thời đại bởi đói ai cũng muốn góp một phần sức lực bảo vệ non sông, xây dựng Tổ quốc mình. Đồng thời, cũng phải nói rằng hào khí Đông A là kết tinh sâu sắc của lòng yêu nước nồng nàn của con người Việt Nam ta thời đó.
Vậy nên, khi viết "Thuật hoài", Phạm Ngũ Lão - người con của thời đại ấy đã mang vào trong những câu thơ của mình cái hào khí Đông A hào hùng đó. Nó vang vọng trong mỗi câu chữ của bài thơ.
Ở ngay những dòng đầu tiên của bài thơ, người đọc cũng có thể cảm thấy ngay cái hào khí Đông A toát ra từ việc miêu tả một người anh hùng, một người dũng sĩ thời Trần. Chắc hẳn, qua hình ảnh ấy, Phạm Ngũ Lão như muốn khẳng định rằng thời đại hào hùng sẽ được tạo nên bởi những con người hào hùng. Và chân dung vị anh hùng, con người hiên ngang ấy đã được ông khắc họa trong bức chân dung giữa không gian kì vĩ:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu"
Mới câu thơ đầu tiên thôi mà người đọc chúng ta đã cảm nhận được sự hùng dũng, lẫm liệt, vẻ đẹp của một tráng sĩ mang trong mình hào khí Đông A đang hiên ngang cầm ngang ngọn giáo dài, quyết tâm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc của mình dù đã qua thu. Trong bản phiên âm, "hoành sóc" có nghĩa là cầm ngang ngọn giáo, thể hiện một khí phách vừa có chút tĩnh tại, an nhiên, nhưng cũng không kém phần hiên ngang, khí phách, đó là tư thế của một người tráng sĩ chuẩn bị ra trận để chiến đấu. Tuy nhiên ở bản dịch thơ, người dịch đã dịch "hoành sóc" thành "múa giáo", đây là một hành động, một tư thế biểu diễn, nghe vừa ngang tàng, lại hơi phô trương. Tuy thế chúng ta đều có thể cảm nhận được hình ảnh của một vị tráng sĩ, tay cầm ngọn giáo dài, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Chúng ta cũng thấy được tư thế của người anh hùng ấy đang được đặt trong một không gian rộng lớn "giang sơn", trong khoảng thời gian dài vô tận "kháp kỉ thu". Cả một không gian thật hùng vĩ được tái hiện lại và in đậm trong đó là hình tượng của người tráng sĩ anh hùng. Không chỉ vậy, "kháp kỉ thu" còn nhấn mạnh sự dẻo dai, tinh thần chiến đấu bất khuất, quyết tâm cống hiến tận lực cho đất nước của một người binh thời Trần. m điệu vang vọng trong câu thơ cũng là một âm điệu khỏe khắn, hào hùng, đúng với cái hào khí Đông A mà Phạm Ngũ Lão đang muốn thể hiện.
Nếu như ở câu thơ đầu tiên, người đọc chỉ thấy hình ảnh của một chiến binh nhà Trần giữa giang sơn rộng lớn, thì bước sang câu thơ thứ hai, hình tượng người lính chẳng còn đơn lẻ nữa mà là cả một đoàn quân với một khí thế thật mãnh liệt:
"Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"
Hình ảnh một đoàn quân anh hùng hiện lên thật hùng vĩ, thật tráng lệ biết bao. So với câu thơ đầu, hình ảnh thơ được mở rộng ra thật to lớn, ở câu một, người ta chỉ thấy toát lên hình tượng của một người lính, thì ở đây là hẳn "tam quân" với tiền quân, trung quân, hậu quân với sức mạnh như vũ bão, có thể "khí thôn ngưu" - "nuốt trôi trâu". Phạm Ngũ Lão đã đặt ra ở trong câu thơ này một phép so sánh "tam quân tì hổ". Ông so sánh đội quân nhà Trần "tì hổ", phải chăng muốn khẳng định sức mạnh, sự mạnh mẽ, oai hùng của tam quân nhà Trần như là hổ, là báo. Phép cường điệu, ẩn dụ mà Phạm Ngũ Lão sử dụng đã cho thấy được sức mạnh thật to lớn của đoàn quân mang khí thế của cả một triều đại anh hùng. Với khí thế ấy, cùng sức mạnh phi thường, đội quân đó chắc hẳn có thể làm nên được những việc vô cùng lớn lao. Câu thơ miêu tả khái quát hình ảnh xung trận của những chiến binh nhà Trần, họ mang trong mình một sức mạnh to lớn, vĩ đại, một khí thế hào hùng, hào khí của thời đại Đông A.
Thế nhưng, khi đọc câu thơ này, người đọc không khỏi băn khoăn về hình ảnh "khí thôn ngưu"! Đây là hình ảnh tác giả Phạm Ngũ Lão đã dùng để miêu tả về khí thế của "tam quân" thời Trần. "Khí thôn ngưu" có thể là khí thế nuốt trôi trâu như bản dịch, đó là sự ước lệ của tác giả khi nói về những người chiến binh trẻ tuổi mang trong mình khí phách của đội quân nhà Trần. Hoặc cũng có thế "ngưu" ở đây là một vì sao trên trời, lúc này, câu thơ sẽ mang ý nghĩa về hào khí, khí thế của quân đội nhà Trần có thể át được cả sao Ngưu. Mặc dù ở đây có hai cách hiểu với hai hướng khác nhau, nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng đều đạt được mục đích là làm nổi bật lên sức mạnh của đội quân nhà Trần, khí thế hào hùng mà họ dùng khi xung trận. Hai nghĩa này không những không mâu thuẫn mà còn bổ sung cho nhau, để chúng ta có thể hiểu được tại sao một đội quân của một đất nước nhỏ bé lại có thể ba lần đánh thắng giặc ngoại xâm Mông - Nguyên đang thống trị thế giới lúc bấy giờ.
Hào khí Đông A cứ vang vọng mãi lên, sục sôi trong mỗi chiến bình với khí thế xuất trận, thế nhưng đôi khi nó lại trầm lắng, thể hiện một cách thật nhẹ nhàng, kín đáo, trong suy tư của con người. Con người dù ở thời đại nào cũng đều mong có thể trở thành một người có thế giúp ích cho non sông đất nước. Vậy nên, những người con thời Trần mang hào khí Đông A ấy trong tâm tư của mình, luôn quyết tâm lập nên công danh báo đền ơn nước. Chí khí ấy thật đáng khâm phục, thật đáng tự hào biết mấy, và Phạm Ngũ Lão đã làm nổi bật cái khát vọng lớn lao ấy của những người con nhà Trần qua hai câu thơ:
"Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu".
Cái ý chí của thân nam nhi quyết tâm lập công báo đền nợ nước đã làm nổi bật lên chí khí cao cả, cái tâm cao cả của người tráng sĩ. Đã làm thân nam nhi ở đời, đứng trong trời đất, phải quyết tạo nên được "công danh", sự nghiệp cho thỏa cái chí làm trai ở đời. Đây là một trong những quan điểm vô cùng đúng đắn và tích cực của tư tưởng Nho giáo. Chẳng thế mà Nguyễn Trãi đã nói
"Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với non sông".
Chí làm trai ở đời, "công danh" chính là một món nợ mà thân trai phải mang, phải trả cả cuộc đời. Chính vì luôn luôn tâm niệm như vậy mà cả đời Phạm Ngũ Lão luôn cống hiến không ngừng cho sự nghiệp của nhà Trần. Ông đóng góp rất nhiều trong công cuộc chống giặc xâm lăng, bình định thiên hạ. Công lao xây dựng đất nước của ông cao vời vợi đến cả vua Trần Minh Tông cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Cả cuộc đời đã cống hiến hết mình như vậy mà Phạm Ngũ Lão vẫn thấy mình chưa "trả xong nợ công danh - vị liễu công danh trái", ông vẫn "thẹn" khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán. Ông luôn tâm niệm rằng những việc mình làm vẫn còn nhỏ bé, chưa thể sánh ngang với tiền nhân thiên cổ được. Tuy nhiên, cái "thẹn" ấy của người tráng sĩ chẳng những không làm ông nhỏ bé, thấp kém đi mà còn nâng tầm vị thế của ông lên với một nhân cách cao cả.
Hai câu thơ sau trùng xuống, thâm trầm như là lời kể, lời tự bộc bạch của tác giả với bao nỗi niềm ngổn ngang trong lòng. Tuy nó chỉ là một nỗi niềm riêng của ông, nhưng góp cùng với hai câu thơ đầu, chúng vẫn hòa mình để tạo nên một vẻ đẹp của khí thế thời đại, góp phần để hào khí anh hùng Đông A mãi còn vang vọng đến tận hôm nay.
Cả bài thơ "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão được bao trùm bởi lòng tự hào dân tộc, bởi hào khí của con người và thời đại nhà Trần. Được thể hiện thật cô đọng và súc tích, bài thơ đã toát lên cái hào khí oai thiêng của dân tộc Việt Nam, toát lên từ một tâm hồn cao đẹp, một tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc. Đọc bài thơ, người đọc chúng ta càng cảm thấy tự hào về một triều đại hào hùng trong dòng lịch sử của dân tộc ta, mới có thể hiểu tại sao ở thời đại đó, chúng ta lại có thể ba lần đánh bại đội quân Mông - Nguyên đang tung hoành khắp thế giới. Cái hào khí mà thời đại ấy thể hiện, tuy nó đã trôi qua, nhưng cái tinh thần mà nó đã thể hiện thì còn vang vọng mãi tới tận ngày nay. Thế hệ chúng ta kế tiếp hào khí anh hùng ấy bằng những dấu son chói lọi trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Và chúng ta càng không thể quên hình ảnh người tráng sĩ chí lớn - Phạm Ngũ Lão, văn võ song toàn, biểu tượng cho bậc trai tráng, cho người chiến binh của thời đại mang hào khí Đông A quyết thắng ấy.
Bài thơ với thể thơ đường luật cổ, với những hình ảnh ước lệ, so sánh, ẩn dụ , giọng thơ thật hùng tráng, mạnh mẽ, mang phong vị của người chiến sĩ anh hùng. "Thuật hoài" sẽ mãi là bài ca, là tấm lòng của người tướng quân cả cuộc đời vì dân vì nước với lý tưởng và nhân cách cao cả. Thế hệ con cháu chúng ta phải luôn biết rèn luyện nhân cách sống có lý tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lý tưởng để không thẹn với thế hệ đi trước, với hào khí anh hùng mà dân tộc ta đã thể hiện qua bao tháng năm qua.
------------------------HẾT----------------------------
Thảo luận