Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn: …Bà lão cúi đầu nín

Câu hỏi :

Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn:

* Đáp án

* Hướng dẫn giải

  1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn trích văn xuôi (có ý phụ)

          Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

  1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

           Tâm trạng của  nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích; tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

  1. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+Kim Lân là nhà văn của người nông dân, là cây bút của đồng ruộng.

+Truyện ngắn Vợ nhặt của ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí những người ở thôn quê: dù cuộc sống có tăm tối đến đâu họ vẫn khao khát sống, yêu thương đùm bọc nhau, vẫn hi vọng vào tương lai.

-Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn trích: …Bà lão cúi đầu nín lặng(…)cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...diễn tả sâu sắc tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ, đồng thời thể hiện tấm lòng của nhà văn dành cho người nông dân nghèo khổ.

3.2.Thân bài: 3.50

  1. Khái quát về truyện ngắn, đoạn trích

 -Vợ nhặt được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiền thân của truyện ngắn Vợ nhặt là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư viết ngay sau 1945. Tới 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết Vợ nhặt. Do đó, tác phẩm không chỉ là kết quả một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954.

- Đoạn trích thuộc phần cuối của truyện, diễn tả tâm trạng của bà cụ Tứ khi Tràng dẫn vợ về và khi bà nói chuyện với nàng dâu mới.

  1. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ: 2.5đ

b.1.Về nội dung:

         -Sự xuất hiện của nhân vật: Tác giả chỉ giới thiệu sơ lược về diện mạo, ngoại hình, gia cảnh để từ đó khái quát số phận bà cụ Tứ. Nhưng chỉ thông qua một vài chi tiết chọn lọc như dáng đi lọng khọng, đôi mắt kèm nhèm và tiếng húng hắng ho cùng hình ảnh về ngôi nhà nghèo nàn xơ xác, người đọc đã đủ hình dung về số phận của một người mẹ nông dân nghèo khổ, cơ cực đã bị cái đói đeo bám, truy đuổi trong suốt cả cuộc đời dài dằng dặc. Ngay từ những ấn tượng ban đầu, Kim Lân đã gợi nên rất nhiều sự thương cảm, xót xa từ hình ảnh bà cụ Tứ.

      - Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong đoạn trích:

      +Ngay sau sự ngạc nhiên, bà cụ Tứ có tâm trạng xót thương cho con mình.Khi nghe lời giải thích đồng thời cũng là lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy ý nhị của Tràng: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!”, ở bà cụ Tứ đã có một phản ứng không lời nhưng lại chất chứa đầy cảm xúc phức tạp: “Bà lão hiểu rồi, lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Như vậy, trong cái nín lặng của bà cụ Tứ là sự nén chặt, sự dồn tụ rất nhiều cảm xúc: vừa là niềm hạnh phúc khi thằng con mình có một người bạn đời để sẻ chia buồn vui, vừa là sự xót xa vì việc trọng đại với đứa con trai lại diễn ra chóng vánh, bất ngờ đến thế, vừa là sự tủi phận của người mẹ cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm, không lo lắng được cho hạnh phúc của con cái. Phải rất tinh tế Kim Lân mới bắt được khoảnh khắc tâm lý tưởng như rất tĩnh tại nhưng thực chất lại đầy phức tạp, uẩn khúc này của bà cụ Tứ.

        +Sau phút cúi đầu nín lặng với nhiều cảm xúc trái chiều phức tạp, bà cụ đã trở về vơi thực tại, nhìn vào thực tế đói khổ nghiệt ngã để trong lòng trào lên sự lo lắng, thương xót cho hai đứa con: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Những dòng nước mắt lặng lẽ chảy của bà cụ đã khiến cho tất cả người đọc đều phải lặng đi, xúc động bởi ở đó tình mẫu tử, tình thương con đã được thể hiện sâu sắc.

         +Và rất tự nhiên từ tình thương, từ sự lo lắng dành cho đứa con trai, bà cụ chuyển sang nhìn người con dâu cũng bằng ánh mắt đầy xót xa, thương cảm. Dù Tràng không hề đề cập đến việc nhặt vợ ở đầu đường, xó chợ qua loa và chóng vánh như thế nào, nhưng bằng kinh nghiệm sống của một người đã đi gần hết cả cuộc đời, bà cụ có thề hoàn toàn hiểu được sự thật trần trụi, đắng chát của cuộc hôn nhân đó. Nhưng bà không hề nhìn cô con dâu bằng sự phán xét khắt khe đay nghiến thường thấy của một bà mẹ chồng, mà bằng con mắt đầy bao dung và cảm thông. Bà như tự bào chữa cho chính đứa con dâu: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ nảy, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”.Với chi tiết này, bà cụ Tứ hiện lên không chỉ là hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng cao cả mà còn là biểu hiện của tình người ấm áp, bao dung. Bằng sự nhân hậu, vị tha, bà đã sẵn sàng mở rộng lòng và dang đôi bàn tay để cưu mang, che chở, nâng đỡ những kiếp người khốn khổ hơn mình. Ở đó, truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách” được thể hiện rất rõ.

       +Nhưng điều đáng lưu ý và cũng đáng trân trọng nhất ở bà cụ Tứ là dù có xót xa, đau đớn và lo lắng nhưng tất cả đều được bà mẹ này giữ kín trong cõi riêng của mình còn những điều bà nói ra đều là sự vui mừng, tốt đẹp. Câu nói mà bà nói với nàng dâu mới: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” tuy giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa. Nó vừa giúp cả ba người thoát khỏi tình thế ngượng nghịu, khó xử, vừa là sự chào đón ấm áp, đôn hậu với nàng dâu mới. Cùng với các khái niệm thiêng liêng: “duyên, kiếp”, bà cụ đã cho thấy dưới đôi mắt của người mẹ thương con thì người con dâu không phải là người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, trơ trẽn mà là người đáng được trân trọng. Còn cuộc hôn nhân chóng vánh, vội vàng của Tràng cũng trở nên thiêng liêng, trọng đại như các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy khác. Như vậy, với tấm lòng cao cả, giàu đức hy sinh, bà lão đã nén chặt trong lòng những buồn tủi để nâng đỡ, vun vén cho hạnh phúc của hai đứa con mình.

       +Để tiếp tục gieo vào lòng hai đứa con niềm tin, hy vọng cũng như sự lạc quan vào cuộc sống, bà đã dùng đến kinh nghiệm dân gian được đúc kết từ ngàn đời. Câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” mà bà nói ra chính là cách động viên ấm áp nhất để Tràng và người vợ nhặt có thể tin vào sự thay đổi tốt đẹp hơn.

        +Nén lòng để tạo tâm lý thoải mái cũng như sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho hai đứa con nhưng bà lão không thể quên đi những ám ảnh về đói rét, chết chóc. Có thể nói đây là một nét tâm lý rất phức tạp và sâu kín của bà cụ Tứ. Khi trở về với cõi riêng của mình, lòng người mẹ nghèo lại quặn thắt với những đau đớn, xót xa. Điều đó được thể hiện rất rõ qua chi tiết: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối....Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình.” Kim Lân đã thấu suốt vào cái nhìn của bà cụ Tứ để nhận thấy trong đó sắc màu chủ đạo là màu đen đặc của bóng tối. Cái bóng tối ở đây không chỉ là bóng tối của đêm mà còn là bóng tối của đói nghèo, cực khổ đã bao trùm lên toàn bộ cuộc đời bà, là bóng tối của sự chết chóc, ám ảnh qua nỗi nhớ về những người thân đã khuất là chồng và đứa con gái út. Bóng tối này đã đè nặng lên ánh nhìn, đè nặng lên tấm lòng của người mẹ nghèo để trong lòng bà tràn lên một nỗi xót xa cho số phận mình, nhưng lớn hơn là sự lo lắng đến xót một cho sự tồn tại, cho tương lai các con. Bởi vậy, sau phút trọn vẹn với những cảm xúc của riêng mình, khi trở về với thực tại bà không còn nén nổi cảm xúc như trước đó mà những lời nói ra đã nghẹn ngào trong nước mắt: “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Những lời nghẹn ngào, xót xa của bà cụ Tứ đã tạo nên sự xúc động cao độ của câu chuyện về vẻ đẹp của tình mẫu tử, lớn hơn là tình người.

       b.2. Về nghệ thuật

Thành công của việc xây dựng hình tượng bà cụ Tứ đó là tác giả đã dựng nên tình huống truyện độc đáo; nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, đối thoại sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ mộc mạc giản dị, gắn với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kĩ lưỡng, tạo sức gợi đáng kể; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo…; trần thuật hấp dẫn.

  1. Rút ra nhận xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

- Tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân được thể hiện ở tình thương, nỗi xót xa và đồng cảm với số phận của một người mẹ nghèo khổ trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Tác giả gửi gắm tình cảm trân trọng, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ: tuy nghèo nhưng rất thương con, nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha, đặc biệt bà là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng. Tấm lòng đó còn thể hiện qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng của nhân vật với chiều sâu bên trong tâm hồn vừa phức tạp, vừa sâu sắc, hiểu và cảm được tận cùng nỗi niềm của người mẹ nghèo;

- Tấm lòng của nhà văn Kim Lân đã làm cho truyện ngắn Vợ nhặt có giá trị phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đem lại niềm tin vào sự đổi đời của người nông dân và sự hướng về cách mạng của họ.

3.3.Kết bài: 0.25

     - Kết luận về nội dung, nghệ thuật thể hiện tâm trạng của bà cụ Tứ;

     - Nêu cảm nghĩ đóng góp về tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn Kim Lân.

  1. Sáng tạo

            Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

  1. Chính tả, dùng từ, đặt câu

            Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự

Lớp 12 - Năm cuối ở cấp tiểu học, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kì vọng của người thân xung quanh ta. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng. Hãy tin vào bản thân là mình sẽ làm được rồi tương lai mới chờ đợi các em!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK